Trung điểm của đoạn thẳng.

Hai bạn chung bàn, bỗng một ngày giận nhau, nhất định đòi chia đôi chiếc bàn "tội nghiệp". Nhưng vì "bận" giận nhau nên quên mất muốn chia đoạn thẳng thành hai phần bằng nhau phải xác định được trung điểm của đoạn thẳng đó. Và thế là cô giáo phải vào cuộc. Say sưa quan sát cách làm của cô giáo, khi chiếc bàn được chia đôi, hai bạn nhìn nhau mỉm cười, mọi giận dỗi dường như tan biến. Nếu bạn nào đó vẫn còn giận nhau, hãy tham khảo bài học sau để biết cách vẽ trung điểm của đoạn thẳng nhé!

Trung điểm của đoạn thẳng.

Trong hình 61, điểm M là trung điểm của đoạn thẳng AB.
Điểm M là trung điểm của đoạn thẳng AB thì M phải thỏa mãn điều kiện:
- M nằm giữa hai điểm A và B, tức là ta phải có đẳng thức MA + MB = AB.
- M cách điều A và B, tức là MA = MB.
Ta có định nghĩa trung điểm của đoạn thẳng như sau:
Trung điểm M của đoạn thẳng AB là điểm nằm giữa A, B và cách đều A, B (MA = MB).
Trung-diem-doan-thang
Hình 61.
Trung điểm của đoạn thẳng AB còn được gọi là điểm chính giữa của đoạn thẳng AB.
Chú ý: Một đoạn thẳng có vô số điểm nằm giữa hai đầu mút của nó nhưng chỉ có một trung điểm (điểm chính giữa)

Cách vẽ trung điểm của đoạn thẳng.

Ví dụ: Đoạn thẳng AB có độ dài bằng 6cm. Hãy vẽ trung điểm của đoạn thẳng ấy.
Ta có MA + MB = AB
Mà MA = MB
Suy ra MA = MB = $\frac{AB}{2}$ = $\frac{6}{2}$ =  3cm.
Ta có thể vẽ theo ba cách như sau:
➤ Cách 1: dùng thước thẳng có chia khoảng.
- Đo đoạn thẳng.
- Tính MA = MB = $\frac{AB}{2}$
- Vẽ điểm M trên đoạn thẳng AB với độ dài của MA hoặc MB.
Theo đó, với ví dụ trên, đầu tiên ta đo đoạn thẳng AB = 6cm. Tính được MA = MB = 3cm. Sau đó, trên tia AB vẽ điểm M sao cho AM = 3cm. (h62)
Cach-ve-trung-diem-doan-thang
Hình 62.
➤ Cách 2: Gấp dây.
Dùng một sợi dây xác định chiều dài đoạn thẳng. Gấp đôi sợi dây, nếp gấp giữa sợi dây cho ta một điểm. Điểm đó chính là trung điểm của đoạn thẳng.
➤ Cách 3:: Gấp giấy (h63)
Gap-giay
Hình 63.
 Vẽ đoạn thẳng AB trên giấy trong. Gấp mép giấy theo trình tự a → b → c (h63) sao cho điểm B trùng với điểm A. Nếp gấp cắt đoạn thẳng AB tại một điểm. Đó chính là trung điểm M của đoạn thẳng AB mà ta cần xác định.

Qua bài học này, về mặt kiến thức, ta cần nắm được định nghĩa trung điểm của đoạn thẳng. Về kỹ năng ta phải biết vẽ trung điểm của một đoạn thẳng, nhận biết được một điểm là trung điểm của đoạn thẳng. Và trên hết ta đã rèn luyện được một thái độ cẩn thận, nghiêm túc khi làm bất cứ việc gì.



Mỗi bài toán có nhiều cách giải, đừng quên chia sẻ cách giải hoặc ý kiến đóng góp của bạn ở khung nhận xét bên dưới. Xin cảm ơn!

CÙNG CHIA SẺ ĐỂ KIẾN THỨC ĐƯỢC LAN TỎA!

Previous
Next Post »
Cảm ơn các bạn đã ghé thăm trang GIẢI BÀI TẬP TOÁN và để lại những cảm nhận tích cực!