Giải bài ôn tập hình học 6 tập 1.

Đến hôm nay, các bạn lớp 6 đã trãi qua một hành trình đầy thú vị. Bắt đầu từ một điểm, các bạn đã đi qua được một đường thẳng. Với một đường thẳng qua hai điểm, ta lại bắt gặp tia. Trên tia đó, nếu dừng lại tại một điểm nào đó, ta có một đoạn thẳng. Chia đoạn thẳng đó thành hai phần bằng nhau, sẽ xuất hiện trung điểm của đoạn thẳng. Những gì ta thu hoạch được trên hành trình đó có thể bị rơi rớt lại đâu đó nếu ta không ôn tập lại. Bằng việc giải bài ôn tập này, chúng ta sẽ giữ lại được những kiến thức cần thiết làm hành trang cho những hành trình tiếp theo.

Giải bài 1 trang 127 sgk hình học 6 tập 1.

Đoạn thẳng là gì?
Bài giải:
Đoạn thẳng AB là hình gồm điểm A, điểm B và tất cả các điểm nằm giữa A và B.
Khái niệm này các bạn đã thuộc làu, tuy nhiên một lần nữa hãy nhìn lại hình bên dưới để hình ảnh về một đoạn thẳng khắc sâu trong tâm trí của bạn, bởi đôi khi bạn lại phân vân giữa đoạn thẳng AB và đường thẳng AB, hoặc giữa tia AB với đoạn thẳng AB.
Doan-thang-AB
Đoạn thẳng AB.

Giải bài 2 trang 127 sgk hình học 6 tập 1.

Cho ba điểm A, B, C không thẳng hàng. Vẽ đường thẳng AB, tia AC, đoạn thẳng BC, điểm M nằm giữa hai điểm B và C.
Bài giải:
Bai-2-tr127-hinh-hoc-6-tap-1
Cho ba điểm ABC không thẳng hàng.

- Lấy ba điểm A, B và C trên mặt phẳng. Đặt cạnh thước đi qua hai điểm A và B, vạch theo cạnh thước ta được đường thẳng AB.
- Đặt cạnh thước đi qua hai điểm A và C, từ điểm A vạch theo cạnh thước về phía điểm C, ta được tia AC.
- Nối điểm B với điểm C, ta được đoạn thẳng BC.
- Trên đoạn thẳng BC lấy điểm M.
Vậy là ta đã hoàn thành yêu cầu của đề bài.

Giải bài 3 trang 127 sgk hình học 6 tập 1.

a) Đánh dấu hai điểm M và N. Vẽ đường thẳng a và đường thẳng xy cắt nhau tại M và đều không đi qua N. Vẽ điểm A khác điểm M trên tia My.
b) Xác định điểm S trên đường thẳng a sao cho S, A, N thẳng hàng. Trong trường hợp đường thẳng AN song song với đường thẳng a thì có vẽ được điểm S không? Vì sao?
Bài giải:
a) Thực hiện theo những yêu cầu của đề bài, ta có hình vẽ như sau:
Bai-3-tr127-hinh-hoc-6-tap-1
Đường thẳng a và đường thẳng xy cắt nhau tại M.

b) Nối A với N cắt đường thẳng a tại một điểm, điểm đó là điểm S trên đường thẳng a.
Bai-3a-hinh-hoc-6-tap-1
Đường thẳng AN cắt đường thẳng a tại S.
Trường hợp điểm N và tia My nằm trên cùng một nửa mặt phẳng có bờ là đường thẳng a và đường thẳng AN song song với đường thẳng a thì ta sẽ không xác định được điểm S vì hai đường thẳng song song không có điểm chung.
Bai-3b-hinh-hoc-6-tap-1
Không tồn tại điểm S khi AN // a.

Giải bài 4 trang 127 sgk hình học 6 tập 1.

Vẽ bốn đường thẳng phân biệt, đặt tên cho các giao điểm (nếu có)
Bài giải:
4 đường thẳng phân biệt với các giao điểm được vẽ như sau:
Bai-4-tr127-hinh-hoc-6-tap-1
4 đường thẳng phân biệt.

Giải bài 5 trang 127 sgk hình học 6 tập 1.

Cho ba điểm thẳng hàng A, B, C sao cho B nằm giữa A và C. Làm thế nào để chỉ đo hai lần mà biết được độ dài của cả ba đoạn thẳng AB, BC, AC. Hãy nêu các cách làm khác nhau.
Bài giải:
Ta biết rằng điểm B nằm giữa hai điểm A và C thì ta sẽ có AB + BC = AC (1). Và điều ta chưa biết là làm thế nào để chỉ với hai lần đo mà vẫn biết được độ dài của cả ba đoạn thẳng.
Sau một hồi "loay hoay", cuối cùng ta cũng tìm ra được ba cách làm như sau:
- Cách 1: Đo độ dài hai đoạn thẳng AB, BC, rồi từ (1), ta tính được AC = AB + BC.
- Cách 2: Đo độ dài hai đoạn thẳng BC, AC, từ (1) ta suy ra được AB = AC - BC.
- Cách 3: Đo độ dài hai đoạn thẳng AB, AC, từ (1) ta suy ra BC = AC - AB.

Giải bài 6 trang 127 sgk hình học 6 tập 1.

Cho đoạn thẳng AB dài 6cm. Trên tia AB lấy điểm M sao cho AM = 3cm.
a) Điểm M có nằm giữa hai điểm A và B không? Vì sao?
b) So sánh AM và MB.
c) M có là trung điểm của AB không?
Bài giải:
a) Ta có AB = 6cm, AM = 3cm, nên AM < AB
Do đó điểm M nằm giữa hai điểm A và B.
b) Vì M nằm giữa hai điểm A và B nên ta có:
AM + MB = AB => MB = AB - AM = 6 - 3 = 3.
Vậy MB = 3cm.
Mà AM = 3cm (đề cho)
Do đó AM = MB.
Bai-6-hinh-hoc-6-tap-1
Điểm M có là trung điểm của AB không?

c) Quay lại bài trung điểm của đoạn thẳng, cô giáo đã dạy trung điểm M của đoạn thẳng AB là điểm nằm giữa hai điểm A, B và cách đều A, B tức MA = MB.
Ở đây, câu a) cho ta biết điểm M nằm giữa hai điểm A và B, còn câu b) đã chứng tỏ MA = MB. Những điều kiện đó cho phép ta khẳng định M là trung điểm của đoạn thẳng AB.

Giải bài 7 trang 127 sgk hình học 6 tập 1.

Cho đoạn thẳng AB dài 7cm. Vẽ trung điểm của đoạn thẳng AB.
Bài giải:
Bai-7-tr127-hinh-hoc-6-tap-1
Vẽ trung điểm của đoạn thẳng AB.

Vẽ đoạn thẳng AB = 7cm. Trên tia AB lấy điểm M sao cho AM = 3,5cm. Khi đó điểm M chính là trung điểm của đoạn thẳng AB.

Giải bài 8 trang 127 sgk hình học 6 tập 1.

Vẽ hai đường thẳng xy và zt cắt nhau tại O. Lấy A thuộc tia Ox. B thuộc tia Ot, C thuộc tia Oy, D thuộc tia Oz sao cho OA = OC = 3cm, OB = 2cm, OD = 2OB.
Bài giải:
Bai-8-tr127-hinh-hoc-6-tap-1
Vẽ đường thẳng xy và zt cắt nhau tại O.

Với những yêu cầu được nêu ra trong đề bài, ta sẽ thực hiện lần lượt như sau:
- Đầu tiên ta vẽ hai đường thẳng xy và zt cắt nhau tại O.
- Trên tia Ox lấy điểm A sao cho OA = 3cm
- Trên tia Oy lấy điểm C sao cho OC = 3cm
- Trên tia Ot lấy điểm B sao cho OB = 3cm
- Trên tia Oz lấy điểm D sao cho OD = 4cm (OD = 2OB)
Vậy là xong, chắc chắn cô giáo sẽ rất hài lòng!


Mỗi bài toán có nhiều cách giải, đừng quên chia sẻ cách giải hoặc ý kiến đóng góp của bạn ở khung nhận xét bên dưới. Xin cảm ơn!

CÙNG CHIA SẺ ĐỂ KIẾN THỨC ĐƯỢC LAN TỎA!

Previous
Next Post »
Cảm ơn các bạn đã ghé thăm trang GIẢI BÀI TẬP TOÁN và để lại những cảm nhận tích cực!