Giải bài tập về đoạn thẳng.

Lên đến lớp 6 là chúng ta đã vượt qua được một chặng "tương đối bằng phẳng" trên con đường học vấn. Thử lấy mỗi lớp làm đầu mút của một đoạn thẳng thì từ lớp 1 đến lớp 6 ta có mấy đoạn thẳng nhỉ! Một câu hỏi thật thú vị. Nhưng trước khi đưa ra câu trả lời, ta cùng nhau giải những bài tập về đoạn thẳng mà cô giáo giao hôm trước.

Giải bài 33 trang 115 sgk hình học 6 tập 1

Điền vào chỗ trống trong các phát biểu sau:
a) Hình gồm hai điểm ... và tất cả các điểm nằm giữa ... được gọi là đoạn thẳng RS. Hai điểm ... được gọi là hai mút của đoạn thẳng RS.
b) Đoạn thẳng PQ là hình gồm ...
Bài giải:
Hãy chú ý đến phần in đậm, đó là cụm từ cần điền.
a) Hình gồm hai điểm R, S và tất cả các điểm nằm giữa hai điểm R, S được gọi là đoạn thẳng RS. Hai điểm R, S được gọi là hai mút của đoạn thẳng RS.
b) Đoạn thẳng PQ là hình gồm điểm P, điểm Q và tất cả các điểm nằm giữa hai điểm P, Q.

Giải bài 34 trang 116 sgk hình học 6 tập 1

Trên đường thẳng a lấy ba điểm A, B, C. Hỏi có mấy đoạn thẳng tất cả? Hãy gọi tên các đoạn thẳng ấy.
Bài giải:
Trước hết, ta lấy ba điểm A, B, C như yêu cầu. Sau đó, ta sẽ đọc tên các đoạn thẳng có trên đường thẳng a, rồi ngồi "đếm" sẽ biết ngay có mấy đoạn thẳng. Rất đơn giản, đúng không!
Với ba điểm A, B, C trên đường thẳng a, ta thấy có đoạn thẳng AB, đoạn thẳng AC, đoạn thẳng BC. Xong rồi, ta bắt đầu đếm nào đoạn thẳng AB là một, đoạn thẳng AC là hai, đoạn thẳng BC là ba. Như vậy, ta có tất cả ba đoạn thẳng. Có bạn nói sai rồi, phải đọc là đoạn thẳng là BA, CA, CB. Không sai, đó là một cách đọc khác. Cả hai cách đọc đều cho ta ba đoạn thẳng.
Dài dòng một chút cho vui vậy thôi, khi trả lời với cô giáo, các bạn chỉ cần dõng dạc dạ thưa cô có ba đoạn thẳng ạ, đó là AB, AC, BC.

Giải bài 35 trang 116 sgk hình học 6 tập 1

Gọi M là một điểm bất kỳ của đoạn thẳng AB, điểm M nằm ở đâu? Em hãy chọn câu trả lời đúng trong bốn câu sau:
a) Điểm M phải trùng với điểm A
b) Điểm M phải nằm giữa hai điểm A và B
c) Điểm M phải trùng với điểm B
d) Điểm M hoặc trùng với điểm A, hoặc nằm giữa hai điểm A và B, hoặc trùng với điểm B.
Bài giải:
Với những hiểu biết có thể nói là rất chắc chắn về đoạn thẳng, ta dễ dàng chọn d) chính là đáp án đúng. Có bạn nào chọn đáp án khác không, nếu có hãy đưa ra lời giải thích thật thuyết phục cho chọn lựa của mình nhé!

Giải bài 36 trang 116 sgk hình học 6 tập 1

Xét ba đoạn thẳng AB, BC, CA ở hình bên dưới và trả lời các câu hỏi sau:
a) Đường thẳng a có đi qua mút của đoạn thẳng nào không?
b) Đường thẳng a cắt những đoạn thẳng nào?
c) Đường thẳng a không cắt đoạn thẳng nào?
Bài giải:
Bai-36-trang-116-toan-6
Đường thẳng a không cắt đoạn BC.
Quan sát hình vẽ, ta dễ dàng nhận thấy:
a) Đường thẳng a không đi qua mút của đoạn thẳng nào trong ba đoạn thẳng AB, BC, CA.
b) Đường thẳng a cắt đoạn thẳng AB tại I và cắt đoạn thẳng AC tại K.
c) Đường thẳng a không cắt đoạn thẳng BC.

Giải bài 37 trang 116 sgk hình học 6 tập 1

Lấy ba điểm không thẳng hàng A, B, C. Vẽ hai tia AB và AC, sau đó vẽ tia Ax cắt đoạn thẳng BC tại điểm K nằm giữa hai điểm B và C.
Bài giải:
Bai-37-trang-116-toan-6
Tia Ax cắt đoạn thẳng BC tại K.


Giải bài 38 trang 116 sgk hình học 6 tập 1

Vẽ hình vào vở rồi tô đoạn thẳng BM, tia MT, đường thẳng BT bằng ba màu khác nhau.
Bài giải:
Tô màu thì thật đơn giản, nhưng tô màu một đoạn thẳng thì ngoài cây bút chì màu, ta cần thêm một thước thẳng.
Bai-38-trang-116-toan-6
Ba đoạn thẳng BM, MT, BT.
Ta sẽ tô đoạn BM màu đỏ, đoạn MT màu xanh và đoạn BT màu vàng. Nếu các bạn không thích những màu đó có thể tô màu khác.

Giải bài 39 trang 116 sgk hình học 6 tập 1

Vẽ hình vào vở rồi vẽ tiếp các đoạn thẳng AE, BD cắt nhau tại I. Vẽ các đoạn thẳng AF, CD cắt nhau tại K. Vẽ các đoạn thẳng BF, CE cắt nhau tại L. Kiểm tra xem ba điểm I, K, L có thẳng hàng hay không?
Bài giải:
Sau một loạt những nét vẽ "nguệch ngoạc" nhưng rất chính xác, ta đã có được hình vẽ đúng như yêu cầu của bài toán như sau:
Bai-39-trang-116-toan-6
Hai đoạn thẳng AE, BD cắt nhau tại I.
Nhìn vào hình vẽ, ta thấy ba điểm I, K, L thẳng hàng. Khi có cảm giác không thẳng hàng, hãy dùng thước thẳng để kiểm tra lại. Nếu vẫn không thẳng hàng chứng tỏ trong quá trình thực hiện, ta đã vẽ các đoạn thẳng không đúng với yêu cầu của bài. Hãy vẽ lại từng bước thật chính xác. Vẽ hình cũng là một kỹ năng rất quan trọng khi giải bài tập hình.

Với những hình vẽ tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự chính xác, những bài tập về đoạn thẳng đã giúp ta cải thiện đáng kể kỹ năng vẽ hình. Bên cạnh đó, mọi hiểu biết về đoạn thẳng ngày càng được củng cố. Giờ là lúc ta thư giãn với câu hỏi thú vị được đặt ra ở đầu bài. Hãy để lại câu trả lời của bạn ở phần comment bên dưới nhé!

Mỗi bài toán có nhiều cách giải, đừng quên chia sẻ cách giải hoặc ý kiến đóng góp của bạn ở khung nhận xét bên dưới. Xin cảm ơn!

CÙNG CHIA SẺ ĐỂ KIẾN THỨC ĐƯỢC LAN TỎA!

Previous
Next Post »
Cảm ơn các bạn đã ghé thăm trang GIẢI BÀI TẬP TOÁN và để lại những cảm nhận tích cực!